Những điểm mới cần biết của Luật Căn cước 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước thay thế Luật Căn cước công dân 2014 từ ngày 01/7/2024. Việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số. Do thay đổi tên gọi từ Luật Căn cước công dân thành luật Căn cước, để tương thích, thẻ Căn cước công dân cũng sẽ có tên gọi mới là thẻ Căn cước, dòng chữ “CĂN CƯỚC CÔNG DÂN” trên thẻ đổi thành “CĂN CƯỚC”.

Chủ thẻ có thể là người dưới 14 tuổi

Tại Luật Căn cước công dân 2014 quy định, chỉ người từ đủ 14 tuổi trở lên mới được cấp thẻ Căn cước công dân. Tuy nhiên theo Luật Căn cước mới, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cũng được cấp thẻ Căn cước theo nhu cầu.

Việc cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi được cho là phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh (hiện nay trẻ em được cấp hộ chiếu, thị thực) và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, tương thích với pháp luật của nhiều nước trên thế giới, góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy được giá trị của việc khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu…

Hiện nay, trẻ em chỉ sử dụng giấy khai sinh là giấy tờ tủy thân. Giấy khai sinh có kích thước của tờ A4, dễ rách nát, hư hỏng, khó bảo quản và chỉ được cấp một lần trong suốt cuộc đời; các biện pháp bảo mật, chống làm giả tương đối sơ sài, dễ bị làm giả và chứa được rất ít thông tin nên có thể gây nhiều khó khãn, bất tiện khi thực hiện thủ tục hành chính.

So với giấy khai sinh, thẻ Căn cước có ưu điểm là kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật, bảo an cao và còn được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu. Theo đó, thẻ Căn cước có thể mang lại nhiều tiện ích trong việc đi lại (như đi máy bay, tàu hỏa…), học tập, khám chữa bệnh (không cần phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế, sổ tiêm chủng…) và thực hiện các giao dịch khác trong cuộc sống hàng ngày.

Về chi phí, lợi ích kinh tế – xã hội, Bộ Công an đã rà soát, đánh giá và thấy rằng nếu thực hiện quy định này thì xã hội không tốn chi phí trong cấp sổ tiêm chủng, sổ khám chữa bệnh, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ học sinh, chi phí. Ngoài ra, người dân còn tiết kiệm chi phí sao y, chứng thực, công chứng giấy tờ.

Quê quán đổi thành nơi đăng ký khai sinh

Thẻ Căn cước công dân hiện nay có mục ghi thông tin quê quán lấy theo quê quán của cha/mẹ. Tới đây theo Luật Căn cước, thông tin về quê quán trên thẻ Căn cước sẽ bị lược bỏ và tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mục thông tin quê quán được thay bằng thông tin về nơi đăng ký khai sinh.

Việc sửa thông tin trên bề mặt của căn cước công dân gắn chip tạo sự thuận lợi cho người dân. Bỏ thông tin về quê quán, mà thay vào đó bằng thông tin về nơi đăng ký khai sinh, bởi vì nơi đăng ký khai sinh là thông tin chính xác với bất kỳ con người nào và tính ổn định cao. Còn quê quán thì đấy là cái mà chúng ta khai và chúng ta cũng chưa có quy trình để xác định xem quê quán đó có chính xác hay không.

Nơi thường trú đổi thành nơi cư trú

Trên thẻ Căn cước mới sẽ không còn thông tin nơi thường trú, thay vào đó là thông tin nơi cư trú. Theo Luật Cư trú, nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại. Đối với mẫu thẻ Căn cước công dân cũ, công dân bắt buộc phải có thông tin về nơi đăng ký thường trú mới được cấp thẻ Căn cước công dân. Quy định mới giúp cho công dân không có đủ điều kiện đăng ký thường trú, chỉ đăng ký tạm trú vẫn được cấp thẻ Căn cước.

Như vậy, tất cả người dân đều sẽ đủ điều kiện cấp thẻ Căn cước, được bảo đảm quyền lợi khi có giấy tờ tùy thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự theo nhu cầu.

Lược bỏ dấu vân tay ngón trỏ

Thẻ Căn cước mới tới đây sẽ lược bỏ vân tay của ngón trỏ trái, ngón trỏ phải và đặc điểm nhận dạng. Bộ Công an giải thích, những thông tin về vân tay, đặc điểm nhận dạng không được thể hiện trên bề mặt thẻ Căn cước, tuy nhiên vẫn sẽ được quản lý trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ.

Việc lược bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng trên thẻ Căn cước là để bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ Căn cước.

Chính thức khai tử Chứng minh nhân dân từ ngày 01/1/2025

Đối với thẻ CCCD đang còn giá trị sử dụng thì người dân vẫn tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn hoặc có nhu cầu đổi sang thẻ Căn cước thì khoản 2 Điều 46 Luật Căn cước quyết định hạn chấm dứt sử dụng Giấy CMND, cụ thể:

Theo quy định trên thì người đã được cấp thẻ CCCD trước ngày 01/7/2024 thì không cần phải đổi sang thẻ Căn cước. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Giấy CMND, thẻ CCCD vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng

Giấy CMND chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024 dù còn hạn sử dụng hay đã hết hạn sử dụng, do đó, người dân chưa đổi sang thẻ CCCD thì cần phải thực hiện thủ tục cấp thẻ CCCD càng sớm càng tốt hoặc đợi đến ngày thẻ Căn cước được ban hành thì người dân có thể đổi sang thẻ Căn cước mới.

Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước

Đây là điểm mới hoàn toàn so với quy định cũ tại Luật Căn cước công dân 2014. Theo đó, giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ được giải thích tại khoản 10 Điều 3 Luật Căn cước như sau:

Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.

Như vậy, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại cấp xã, cấp huyện (nếu không có đơn vị hành chính cấp xã) từ 06 tháng trở lên.

Sẽ bổ sung thông tin sinh trắc học nhiều thông tin khác của công dân

Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; nghề nghiệp…

Trong đó, với thông tin ADN và giọng nói, chỉ thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Đặc biệt, đã cho phép công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ căn cước và công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp căn cước theo nhu cầu.

Rút ngắn thời gian cấp đổi thẻ Căn cước không quá 07 ngày

Theo Điều 26 Luật Căn cước, thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Trong khi đó, theo quy định cũ tại Điều 25 Luật Căn cước công dân 2014, thời hạn được chia theo các trường hợp như sau:

– Tại thành phố, thị xã:

Cấp mới và cấp đổi: Không quá 07 ngày.

Cấp lại: Không quá 15 ngày làm việc.

– Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo: Thời gian thực hiện là không quá 20 ngày áp dụng cho tất cả các trường hợp.

– Tại các khu vực còn lại: Không quá 15 ngày cho tất cả các trường hợp.

Loading

5/5 - (2 đánh giá)