Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

UBND phường Tân Phước giới thiệu nội dung Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai để người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn phường được biết và thực hiện.

Nghị định 91 được ban hành năm 2019 và có hiệu lực từ ngày 05/01/2020 đến nay đã được triển khai thực hiện hơn 2 năm. Nghị định có 4 chương và 44 điều trong đó, có những điểm mới và nổi bật cụ thể như sau:

Thứ nhất, tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở phạt tiền đến 01 tỷ đồng

Theo khoản 3, 4 Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (trong đó có đất ở) tại khu vực nông thôn và đô thị mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì phạt tiền theo diện tích tự ý chuyển:

Dưới 0,01 ha (<100m2) đây là trường hợp phổ biến nhất phạt tiền Từ 03 – 05 triệu đồng
Từ 0,01ha đến dưới 0,02ha phạt tiền Từ 05 – 10
Từ 0,02ha đến dưới 0,05ha phạt tiền Từ 10 – 15
Từ 0,05ha đến dưới 0,1ha phạt tiền Từ 15 – 30
Từ 0,1ha đến dưới 0,5ha phạt tiền Từ 30 – 50
Từ 0,5ha đến dưới 01ha phạt tiền Từ 50 – 80
Từ 01ha đến dưới 03ha phạt tiền Từ 80 – 120
Từ 03ha trở lên phạt tiền Từ 120 – 250

Ở đô thị Mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt với khu vực nông thôn (tối đa là 500 triệu đồng).

Mức phạt trên đây áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (cao nhất là 01 tỷ đồng).
Ngoài bị phạt tiền, thì người có hành vi vi phạm buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Thứ hai, bỏ hoang đất bị phạt tiền (đây là một trong những nội dung mới đáng chú ý nhất của Nghị định 91/2019/NĐ-CP).

Theo khoản 1 Điều 32 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng quy định tại Điều 15 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì bị xử phạt như sau:

Diện tích không sử dụng Dưới 0,5 ha phạt tiền Từ 0,5 – 01
Diện tích không sử dụng Từ 0,5 ha đến dưới 03 ha phạt tiền Từ 01 – 03
Diện tích không sử dụng Từ 03 ha đến dưới 10 ha phạt tiền Từ 03 – 05
Diện tích không sử dụng Từ 10 ha trở lên phạt tiền Từ 05 – 10

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc sử dụng đất theo mục đích được Nhà nuớc giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì sẽ bị Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai.

Lưu ý: Mức phạt trên đây áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (tối đa là 20 triệu đồng).

Thứ ba, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện

Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định: Người sử dụng đất được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai 2013;
– Đất không có tranh chấp;
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
– Trong thời hạn sử dụng đất.

Theo Khoản 3 Điều 18 Nghị định 91/2019/NĐ-CP trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện bị phạt tiền với mức từ 03 – 40 triệu đồng.

Thứ tư, lấn, chiếm đất phi nông nghiệp bị phạt tới 1 tỷ đồng

Theo Khoản 4 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn, trừ trường hợp lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình và đất công trình có hành lang bảo vệ, đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức thì bị xử phạt từ 10 đến 200 triệu đồng.

Thứ năm, lần đầu tiên quy định rõ hành vi hủy hoại đất

Theo Khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Trong đó chỉ rõ các hành vi hủy hoại đất như sau:

– Làm biến dạng địa hình trong các trường hợp:

+ Thay đổi độ dốc bề mặt đất;

+ Hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề;
+ San lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề;

Trừ trường hợp cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được UBND cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận.

– Làm suy giảm chất lượng đất trong các trường hợp:

+ Làm mất hoặc giảm độ dầy tầng đất đang canh tác;
+ Làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng;
+ Gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp.

– Gây ô nhiễm đất là trường hợp đưa vào trong đất các chất độc hại hoặc vi sinh vật, ký sinh trùng có hại cho cây trồng, vật nuôi, con người.
– Làm mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
– Làm giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

Thứ sáu, bổ sung thêm nhiều biện pháp khắc phục hậu quả

Tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định rõ hơn và được bổ sung thêm nhiều biện pháp, gồm (17 biện pháp):

– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
– Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.
– Buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định.
– Buộc chấm dứt hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất.
– Buộc hoàn trả tiền chuyển nhượng, tiền cho thuê, tiền cho thuê lại đất không đúng quy định của pháp luật trong thời gian sử dụng đất còn lại.
– Buộc hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai.
– Buộc hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định.
– Buộc chấm dứt hợp đồng mua, bán, cho thuê tài sản gắn liền với đất không đủ điều kiện quy định.
– Buộc sử dụng đất đúng theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất.
– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của chỉ giới sử dụng đất, mốc địa giới hành chính như trước khi vi phạm.
– Buộc cung cấp hoặc cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai.
– Buộc thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
– Buộc nộp Giấy chứng nhận đã cấp.

– Hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đã thực hiện đối với trường hợp sử dụng giấy tờ giả để thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Xử lý tài sản tạo lập không hợp pháp.

– Thu hồi đất.

Về thời hiệu xử phạt VPHC

Nghị định 91 đã bổ sung quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 2 năm và xác định rõ hành vi đang thực hiện và hành vi đã kết thúc để tính thời hiệu xử phạt..

HÌnh thức xử phạt

– Bổ sung hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung ; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất.
– Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Đối với biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm: Nghị định 91 đã giao cho UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm.
+ Bổ sung biện pháp buộc chấm dứt hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất.
+ Buộc sử dụng đất đúng mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất…

Điều khoản xác định số lợi bất hợp pháp (Điều 7 có công thức)

Nghị định 91 đã hướng dẫn cụ thể công thức tính số lợi bất hợp pháp trong trường hợp sử dụng đất sang mục đích khác mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; trường hợp sử dụng đất do lấn, chiếm; trường hợp chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ điều kiện; trường hợp cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất không đủ điều kiện…

Quy định về biện pháp buộc phôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm thì có thể tháo dỡ nhà, công trình xây dựng vi phạm trên đất. Trường hợp người vi phạm không chấp hành thì tiến hành trình tự thủ tục cưỡng chế: trong trường hợp phải tháo dỡ nhà ở hoặc công trình xây dựng trái pháp luật trên đất thì người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm tổ chức lực lượng, phương tiện và yêu cầu các cơ quan có liên quan phối hợp để cưỡng chế tháo dỡ nhà ở, công trình xây dựng trên đất. Chi phí cưỡng chế hành chính được tạm ứng từ ngân sách nhà nước.

Trong thời hạn ba (3) ngày làm việc kể từ ngày thực hiện xong việc cưỡng chế, người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm thông báo cho đối tượng bị cưỡng chế về số tiền phải hoàn trả lại ngân sách nhà nước. Đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm hoàn trả chi phí cho việc cưỡng chế trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của người ra quyết định cưỡng chế. Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế không hoàn trả chi phí nói trên thì bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 của Thông tư 16/2010/TT-BTNMT để thu hồi tiền tạm ứng từ ngân sách nhà nước.

Điều 3. Các biện pháp cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai

1. Khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản tại các ngân hàng, các tổ chức tín dụng.
2. Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.

Xem chi tiết Nghị định 91/2019/NĐ-CP tại đây.

 564 total views,  6 views today

5/5 - (2 đánh giá)