UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021 – 2030.
Chương trình được triển khai nhằm mục tiêu phát triển nhà ở đáp ứng nhu cầu về xây mới và cải tạo nhà ở của người dân, đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của các đối tượng thụ hưởng chính sách; phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất trong phát triển nhà ở; đồng thời dự báo nhu cầu nhà ở đô thị và nông thôn, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các khu, cụm công nghiệp làm cơ sở lập kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm của tỉnh.
Cụ thể, toàn Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt khoảng 31,0 m2 sàn/người, trong đó: tại khu vực đô thị đạt 31,2 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 30,6 m2 sàn/người; tăng tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 90%, trong đó: tại khu vực đô thị đạt 92%, khu vực nông thôn đạt 87%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ đặc biệt là khu vực đô thị. Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt khoảng 35,0 m2 sàn/người, trong đó: tại khu vực đô thị đạt 35,1 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 34,8 m2 sàn/người; tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 97%, trong đó: tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 90%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ đặc biệt là khu vực đô thị; 92% nhà ở có hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước thải đồng bộ và được đấu nối vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực; nhà ở phát triển mới đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, gắn với các dự án phát triển đô thị, đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng số, thiết kế mở rộng không gian tiện nghi chức năng của căn nhà theo hướng phát triển không gian xanh, bền vững, phát thải thấp.
Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương chú trọng triển khai một số giải pháp trọng tâm như: hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý nhà nước về nhà ở; đất đai; vốn và tài chính để phát triển nhà ở; quy hoạch – kiến trúc; phát triển nhà ở cho các đối tượng khó khăn về nhà ở; tăng cường công tác quản lý chất lượng trong thiết kế, thi công xây dựng và sử dụng nhà ở, bảo đảm các công trình nhà ở, kể cả các nhà ở do dân tự xây dựng đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn trong sử dụng, có khả năng ứng phó với thiên tai, động đất, biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường; hướng dẫn các chủ đầu tư áp dụng các loại công nghệ xây dựng hiện đại; sử dụng các loại vật liệu xây dựng và trang thiết bị trong nước xây dựng nhà ở xã hội để giảm giá thành nhà ở và rút ngắn thời gian xây dựng, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; tuyên truyền, phát động phong trào, có tổ chức để phát huy sức mạnh cộng đồng trong phát triển nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, các hộ nghèo khu vực đô thị, nông thôn cải thiện chỗ ở; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý, quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở. Công khai hệ thống thông tin bất động sản nhà ở, minh bạch các dự án nhà ở trên phương tiện đại chúng để tất cả các đối tượng có nhu cầu tiếp cận thông tin; chú trọng thực hiện công tác dự báo nhu cầu, lập kế hoạch phát triển nhà ở; đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm của tỉnh.
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC