Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang đến cho con người điều kiện, cơ hội học tập tốt hơn; đồng thời cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về năng lực tiếp cận công nghệ, tự học trong kỷ nguyên số. Đây cũng là chủ đề của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023 đang được tổ chức trên cả nước trong tháng 10/2023.
Ngày 16/10, tại trường THCS Tân Phước, UBND thị xã Phú Mỹ tổ chức Lễ phát động tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023, chủ đề “xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số”.
Để mọi người cùng hiểu thêm về “Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số”, Cổng thông tin điện tử UBND phường Tân Phước trích bài tiểu luận rất gần gủi, dễ hiểu của em học sinh Trần Phi Anh, học sinh lớp 12 Văn, trường THPT Chuyên Bảo Lộc về vấn đề: “xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số”:
Các bạn thân mến!
Con người đang chạy thật nhanh trên đại lộ khám phá và đổi mới thế giới. Chúng ta đã đạt được vô số những thành tựu vĩ đại, trong đó phải kể đến việc ta đã thành công khi kiến tạo nên một trang sách mới cho nhân loại, tạo ra một thời đại mới: thời đại của kỷ nguyên số. Điều đó chi phối rất nhiều đến các lĩnh vực trong đời sống này, bao gồm cả giáo dục và học tập. Sống và lĩnh hội kiến thức trong một thời đại được ứng dụng rất nhiều những công nghệ, máy móc cũng như các phương tiện khác nhau, những yếu tố ấy đã chi phối bạn như thế nào? Và bạn đã thật sự biết tự học hỏi và trau dồi bản thân mình trong kỷ nguyên số này hay chưa? Đó vẫn còn là những băn khoăn được đặt ra cho mỗi chúng ta – những cô cậu học trò vẫn đang bước đi trên con đường học vấn của mình.
Tôi tin rằng đây là một mối quan tâm chính đáng đối với nền giáo dục, và nhất là vấn đề tự học của mỗi học sinh trong kỷ nguyên số này. Vậy “tự học” là gì và thế nào là một “kỷ nguyên số”? “Tự học” nghĩa là “thân tự lập thân”, là khả năng độc lập trong học tập, tư duy, không bị phụ thuộc hay ỷ lại, mà bản thân chủ động chiếm lĩnh các kiến thức để làm đầy vốn sống của mình. Còn “kỷ nguyên số” tức là thời kỳ chúng ta đang áp dụng việc chuyển đổi số vào tất cả những lĩnh vực, ứng dụng công nghệ, máy móc để trợ giúp con người những công việc đòi hỏi sự chính xác cao, hay năng suất lớn. Việc chuyển đổi số trong quá trình tự học hiện nay đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ khi các ứng dụng, nền tảng ra đời cho phép chúng ta được tiếp cận với các vùng kiến thức khác nhau, cũng như các lĩnh vực một cách đơn giản, không bị gò bó. Ta không phải đọc từng trang sách chỉ để giải quyết cho một câu hỏi nhỏ. Giờ đây, mỗi chúng ta hoàn toàn có thể giải đáp được các thắc mắc của bản thân chỉ thông qua một cú click chuột ở các trang trình duyệt tìm kiếm như Google hay Chat GPT. Thế mới thấy, việc tự học đã và đang được đơn giản hoá trong kỉ nguyên này, bất cứ ai cũng có thể học, học linh động thời gian, học ở bất cứ đâu mình muốn, từ đó tạo được hứng thú mà duy trì việc tự học để đạt được hiệu quả cao nhất.
Vậy với bạn, tại sao chúng ta cần xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số này? Với tôi, là vì để bản thân mỗi chúng ta có cơ hội hoà mạng chung với nền giáo dục trên khắp mọi miền Tổ quốc, hay rộng hơn là các nước trên thế giới. Bởi không gian mạng không gò bó trong bất cứ chiều kích nào, chúng ta có thể tự tìm thấy, tự nghiên cứu về những lý thuyết hay ho; đọc những trang báo để tự mình cập nhật những vấn đề nóng hổi của bộ môn mình đang theo đuổi. Với tôi là văn chương, nhờ thói quen tự tìm tòi của mình mà tôi được tiếp cận với rất nhiều những vấn đề xung quanh thời sự văn học, điển hình hiện nay như vấn đề bản quyền giữa trí tuệ nhân tạo và con người, liệu rằng cuộc chiến ấy sẽ thay đổi cục diện ra sao? Văn chương liệu rằng có còn là lĩnh vực sáng tạo độc đáo của con người hay không? Bên cạnh đó, việc tự học trong kỉ nguyên số, còn giúp tôi bắt kịp với nhịp sống của thời đại, biết trang bị đủ cho mình những vốn kiến thức để sẵn sàng trở thành một công dân toàn cầu. Thử hỏi, sẽ có ai hướng dẫn bạn cách để trở thành một công dân toàn cầu chăng? Tôi e là không! Bởi điều đó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng trau dồi bản thân của chính chúng ta, mà việc tự học thông qua không gian mạng là yếu tố đầu tiên góp phần nâng cao giá trị bản thân của mỗi con người. Hiểu được những lợi ích đó, tôi sẽ trình bày về những phương pháp để mỗi bạn học sinh có thể xây dựng việc tự học của mình trong kỷ nguyên số này.
Thứ nhất, mỗi bạn học sinh có thể quản lý việc tự học của mình bằng cách lên kế hoạch thông qua những nền tảng, ứng dụng quản lý thời gian. Để đạt được hiệu quả công việc tốt nhất, chúng ta không thể chỉ làm việc theo cảm tính, đợi “nước đến chân mới nhảy”. Mà phải là một quá trình đã được hoạch định rõ ràng, cụ thể để khi bắt tay vào công cuộc tự học, ta không cảm thấy chới với, hoang mang, lo sợ và vô định về việc tự học của bản thân. Muốn như thế, mỗi chúng ta cần xác định được mục tiêu của mình là gì? Tốn bao lâu để có thể tích luỹ đủ kiến thức, năng lực để tham gia một kì thi nào đó? Và đâu là những kiến thức trọng tâm mà mình cần ghi nhớ? Sau khi đã xác định được mục tiêu lớn của mình, bản thân sẽ phân chia thời gian biểu học tập sao cho hợp lý, đặt ra những mục tiêu nhỏ hơn mình cần hoàn thành trong ngày. Bạn có thể sử dụng các ứng dụng như Notion, lịch điện tử của Google, hay thậm chí bạn có thể sử dụng các ô tính trong Excel để quản lý thời gian biểu của mình. Từ đó, thiết lập được các khung giờ học cụ thể và phù hợp với bản thân. Trong từng khung giờ, bạn cũng có thể soạn ra một “To-do list” (danh sách những việc cần làm) như những mục tiêu nhỏ để kiểm soát được tiến độ tự học cũng như lượng kiến thức mình đã lĩnh hội, và phần nào vẫn chưa tiếp thu, học hỏi. Dần dần ta sẽ chủ động hơn trong việc tự học, cũng như có thể kiểm soát được thời gian mình đã dành ra là bao nhiêu, sẽ kịp hay nhanh với mục tiêu đề hay không? Từ đó, mỗi người biết tăng tốc học tiếp hoặc quay lại những kiến thức mình đã lĩnh hội được để nhớ lâu và nhớ sâu hơn.
Thứ hai, tài liệu tự học thông qua các trình duyệt là bất tận, mỗi học sinh có thể tìm tòi và trau dồi bản thân mình qua nhiều nguồn tìm kiếm khác nhau. Hiện nay, đã có rất nhiều những nguồn tài liệu hay được đăng tải và chia sẻ trên các trang web hay trong các hội nhóm trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, mỗi học sinh có thể tìm kiếm và tham khảo những tài liệu ấy như một cách tự học. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề trong việc tự học hiện nay, vì cũng đã có rất nhiều trường hợp sai lệch về những kiến thức trong các nguồn tài liệu tràn lan trên mạng dẫn đến việc tự học không mang lại hiệu quả, mà còn ảnh hưởng đến nhận thức của các bạn học sinh. Vì thế, mỗi người cần biết chọn lọc thông tin từ những nguồn chính thống, uy tín, hoặc có thể tham khảo, đào sâu những chuyên gia, tài liệu đã được thầy cô định hướng cũng như kiểm duyệt. Từ đó, mỗi học sinh có thể tin tưởng hơn vào các thông tin mình lĩnh hội, không mất đi tinh thần tự học, tự nghiên cứu mà còn tạo thêm nhiều hứng thú đối với bản thân mình.
Cuối cùng, thông qua các trang mạng xã hội, chúng ta có thể giao lưu với rất nhiều những bạn học sinh khác, từ đó có thể thảo luận, cùng nhau nghiên cứu, học tập, trao đổi về môn học mà bản thân đang theo đuổi. Như tôi đã trình bày ở trên, chúng ta có thể tìm kiếm nhiều nguồn tài liệu từ các hội nhóm, đồng thời, chúng ta cũng có thể học hỏi và trao đổi cùng những người bạn có cùng chung đam mê và sở thích. Quả thật, đúng như lời của cổ nhân: “Học thầy không tày học bạn”, chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau thông qua những lần trò chuyện, bàn luận về môn học mình theo đuổi bằng các ứng dụng như Zoom, Google Meet. Từ đó, ta vừa có những người bạn mới, vừa có được những hiểu biết thú vị, tạo được niềm vui trong công cuộc tự học ở kỷ nguyên số này. Với tôi ở bộ môn Văn, thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm học tập của bản thân mình, tham gia vào một số buổi thi thử dưới hình thức thi, chấm chữa bài trực tuyến, tôi cũng đã gặp và trao đổi về văn chương với nhiều những người bạn trên khắp mọi miền Tổ quốc. Song, không chỉ ở các hội nhóm, hiện nay cũng có rất nhiều hình thức để chúng ta có thể gặp gỡ và trao đổi cùng nhau về một vấn đề học thuật nào đó, điển hình như Webinar (Họp trực tuyến). Ở đây, mọi người được trò chuyện trực tiếp với nhau, giải đáp những thắc mắc cũng như chia sẻ về kiến thức chuyên môn và nếu chúng ta thấy cần thiết hay hữu dụng, ta hoàn toàn có thể ghi chép lại để làm “vốn” cho chính bản thân mình.
Các em học sinh Trường THCS Tân Phước
Nguồn: thptchuyenbaoloc.edu.vn
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC