“Cố tình trồng hoa, hoa không nở, vô tâm cấy liễu, liễu thành rừng”, câu nói ngắn gọn của người xưa lại có hàm nghĩa vô cùng rộng lớn. Trong cuộc sống, thuận theo tự nhiên, hợp với đạo Trời, thì không cầu mà tự được, cái gì nên có thì tất sẽ đến.
Có một câu chuyện kể rằng, tại một ngôi chùa cổ trên núi có một lão hòa thượng và một tiểu hòa thượng sinh sống. Hôm ấy, trong chùa không còn một chút dầu đèn nào, vì vậy lão hòa thượng liền gọi tiểu hòa thượng lên và nói: “Con hãy cầm bát xuống dưới núi mua một chút dầu.”
Tiểu hòa thượng nghe xong liền vội vàng chạy xuống chân núi để mua dầu. Sau khi mua được dầu, tiểu hòa thượng lo lắng mãi vì sợ đi đường sẽ làm rơi vãi hết. Tiểu hòa thượng cứ chăm chút vào việc bưng bát dầu mà không chú ý nhiều đến con đường. Kết quả khi về đến chùa thì bát dầu đã rơi vãi mất hơn một nửa.
Lão hòa thượng lắc đầu nói: “Con hãy xuống núi mua lại một lần nữa đi.”
Tiểu hòa thượng trên mặt lộ rõ ra vẻ buồn rầu và chán nản thầm nghĩ: “Đường đi gập ghềnh như vậy, mình đã để tâm vào bát dầu mà vẫn bị sóng ra ngoài. Thật không biết phải làm sao đây?”
Lão hòa thượng hiểu rõ băn khoăn của cậu ta, bèn nói: “Lần này con hãy chỉ để ý đường đi, đừng để tâm lo sợ dầu sóng ra ngoài.”
Kết quả, lần này tiểu hòa thượng mang về chùa nguyên một bát dầu đầy.
Không cầu mà tự được, khi chúng ta có tâm lo lắng “được mất” thì trong lòng chẳng những mệt mỏi mà hiệu quả thu được cũng sẽ không tốt. Trái lại, khi chúng ta có thể “cầm được và buông được” thì chính là đã đạt đến cảnh giới “vô tâm cấy liễu, liễu thành rừng”.
Trong cuộc sống sa vào vật chất, con người ta thường hay bị mê hoặc, không thanh tỉnh, càng chấp nhất thì lại càng lo lắng không nguôi. Rất nhiều khi bởi vì ham muốn truy cầu quá đáng mà người ta không được như ý. Thậm chí tiền tài danh vọng còn có thể khiến người ta rơi vào vực sâu vạn trượng.
Nội tâm thoáng đãng thì dễ dàng trổ hết tài năng, lại có thể nhìn thấu được mất, cuộc sống cũng nhẹ nhõm vui tươi. Trong trạng thái ấy mà hưởng thụ nhân sinh, cũng trong nỗ lực mà làm hết trách nhiệm, thành tựu được những gì đáng nên thành tựu. Đây chính là “không cầu mà tự được”.
“Không cầu mà được” còn có một tầng ý nghĩa, đó là “người tính không bằng Trời tính”, trong cõi minh minh tự có an bài cho tất cả. Người thiện lương thì hợp với đạo Trời, dẫu phúc chưa tới nhưng họa đã rời xa rồi. Sách cổ viết: “Trời không bởi vì con người sợ lạnh mà bỏ đi mùa đông. Đất không bởi vì con người chán ghét hiểm trở mà thôi không rộng lớn. Người quân tử không bởi vì kẻ tiểu nhân mà thay đổi phẩm hạnh của mình. Trời đất có quy luật vận hành nhất định, người quân tử có phẩm hạnh vĩnh cửu. Người quân tử có con đường đứng đắn, tiểu nhân chỉ tính toán tư lợi bản thân.” Người quân tử có thể thuận theo đạo Trời mà hành, ấy chính là người thiện lương vậy.
“Ông trời có đức hiếu sinh”, “Trời không tuyệt đường của con người”, chỉ cần người có thể tôn kính Trời, sám hối tội lỗi, thành tâm làm điều thiện, thì dẫu tạm thời ở trong tuyệt cảnh nhưng tự nhiên lại tìm được con đường ra.
Người xưa còn giảng: “Ở trong phòng gõ chuông, tiếng vang có thể truyền vọng ra bên ngoài. Con hạc kêu trong đầm nước sâu, âm thanh của nó truyền đến tận không trung.” Cho nên, nếu người ta có thể nỗ lực đặt tâm tu dưỡng bản thân thì dẫu chẳng mong cầu mà vẫn đạt được tất cả.
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC