Vào ngày 2/4 hằng năm được Liên hiệp quốc chọn là ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (World Autism Awareness Day). Ngày này được thành lập với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về hội chứng tự kỷ. Tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi của người mắc. Theo các chuyên gia y tế, trẻ em mắc chứng tự kỷ có thể gặp khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng nếu không được phát hiện và can thiệp sớm.
1. Hiểu đúng về tự kỷ
Tự kỷ không phải là bệnh truyền nhiễm hay do lỗi của cha mẹ trong cách nuôi dạy. Đây là một tình trạng liên quan đến sự phát triển não bộ và có thể xuất hiện ở bất kỳ trẻ nào, không phân biệt giới tính, hoàn cảnh gia đình hay điều kiện sống.
2. Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ mắc chứng tự kỷ
Chậm nói hoặc không nói, không phản ứng khi được gọi tên.
Ít giao tiếp bằng mắt, không thích tương tác với người khác.
Lặp đi lặp lại một hành động hoặc sở thích nhất định.
Nhạy cảm quá mức với âm thanh, ánh sáng hoặc cảm giác tiếp xúc.
Gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc hoặc hiểu cảm xúc của người khác.
3. Vai trò của gia đình và cộng đồng
Gia đình là môi trường quan trọng nhất để giúp trẻ tự kỷ phát triển tốt hơn. Cha mẹ cần:
Quan sát, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Dành thời gian chơi và trò chuyện với trẻ để tăng cường khả năng giao tiếp.
Hợp tác với giáo viên, chuyên gia để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp.
Bên cạnh đó, cộng đồng cần có thái độ đúng đắn, không kỳ thị hay xa lánh trẻ tự kỷ. Hãy tạo môi trường thân thiện, giúp các em có cơ hội hòa nhập, phát triển kỹ năng và có một cuộc sống ý nghĩa.
4. Lời kêu gọi
Tất cả các hộ gia đình, các tổ chức xã hội cùng chung tay nâng cao nhận thức về chứng tự kỷ, hỗ trợ trẻ tự kỷ và gia đình của các em trong quá trình điều trị, can thiệp. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một cộng đồng yêu thương và bao dung, vì sự phát triển của mỗi trẻ em.
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC