Hiện nay tại các khu dân cư, có không ít người vẫn cố tình để rác sang nhà hàng xóm gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và bị phạt theo quy định của pháp luật.
1. Để rác sang nhà hàng xóm bị phạt như thế nào?
Khoản 1 Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định.
Hộ gia đình, cá nhân có hành vi để rác ngoài địa điểm quy định là trái pháp luật và sẽ bị xử lý hành chính.
Cụ thể, theo khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
…
e) Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh, mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu.
Như vậy, hộ gia đình, cá nhân để rác sang nhà hàng xóm có thể bị phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng.
Để rác sang nhà hàng xóm có thể bị phạt tiền đến 05 triệu đồng (Ảnh minh họa)
2. Hàng xóm để rác sang nhà mình, người dân phải làm gì?
Khi phát hiện hàng xóm để rác sang nhà mình, việc đầu tiên người dân cần làm là nhắc nhở nhẹ nhàng.
Nếu họ cố tình chối cãi thì có thể thu thập bằng chứng bằng cách lắp camera, chụp ảnh hoặc đợi đúng lúc người đó để rác trái quy định để nhắc nhở trực tiếp, đề nghị chấm dứt ngay việc để rác bừa bãi.
Trường hợp tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra, người dân có thể khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền kèm theo bằng chứng rõ ràng để được giải quyết.
Hành vi để rác không đúng nơi quy định nói chung và để rác sang nhà hàng xóm nói riêng là các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, căn cứ quy định tại Điều 67, 68 Nghị định 144:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 04 triệu đồng;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt tiền đến 20 triệu đồng;
Trưởng Công an cấp huyện có quyền phạt tiền đến 08 triệu đồng.
Trong khi đó, mức phạt tiền của hành vi để rác sang nhà hàng xóm là từ 03 – 05 triệu đồng. Như vậy, nếu gặp phải trường hợp hàng xóm để rác sang nhà mình, người dân có thể báo với Ủy ban nhân dân xã hoặc Công an huyện để được xử lý.
Việc để rác không đúng nơi quy định gây mất mĩ quan và ô nhiễm môi trường (Ảnh minh họa)
3. Người dân phải phân loại, để rác như thế nào?
Theo Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ cá nhân, hộ gia đình được phân loại thành 03 nhóm:
– Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế
– Chất thải từ thực phẩm
– Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Cá nhân, hộ gia đình ở thành phố phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại thành các bao bì và chuyển giao như sau:
– Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế được giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở thu gom, vận chuyển;
– Chất thải từ thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho các cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
Cá nhân, hộ gia đình ở nông thôn sau khi phân loại chất thải thực hiện quản lý như sau:
– Tận dụng tối đa chất thải từ thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi;
– Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân có thể tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
– Chất thải từ thực phẩm không làm phân bón, thức ăn chăn nuôi phải được giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
– Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Đặc biệt, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng đúng bao bì quy định thì cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý (Theo khoản 2 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường).
Kính mong bà con nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng cách hành động nhỏ như: chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, thu gom và để rác đúng nơi quy định, đóng tiền thu gom rác đầy đủ, giáo dục con em ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, sinh hoạt văn minh. Mỗi người dân hãy nâng cao ý thức bảo vệ môi trường để bảo vệ sức khỏe của chúng ta và con cháu chúng ta; chung tay xây dựng phường Tân Phước văn minh, sạch đẹp.
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC