Ngày 30/7 hàng năm được chọn là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”. Tại Việt Nam, ngày 30/7 cũng được chọn làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ”.
Một sự kiện phòng, chống mua bán người do Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an phối hợp tổ chức
Để chủ động phòng, chống mua bán người, mọi công dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, đề phòng, tự bảo vệ mình và người thân:
– Hãy cảnh giác trước những mối quan hệ qua mạng xã hội, những hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao.
– Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết.
– Hãy tuyên truyền cho người thân, bạn bè trong cộng đồng người Việt Nam biết và cảnh giác trước những thủ đoạn của tội phạm mua bán người: hứa hẹn giới thiệu việc làm nhàn hạ, thu nhập cao để lừa bán ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động; hứa hẹn giúp đỡ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nhằm mục đích lừa bán ra nước ngoài để cưỡng ép kết hôn, bóc lột tình dục; sinh con ở nước ngoài rồi bán trẻ sơ sinh hoặc trẻ còn trong bào thai cho người bản địa …
– Hiểu rõ hậu quả của việc mua bán người: bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn; bị bóc lột tình dục; có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (HIV/AIDS…); bị sang chấn tâm lý (lo sợ, mặc cảm …)…
Hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” – 30/7/2022, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị cần đoàn kết phát huy sức mạnh tổng hợp; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, và hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân bị mua bán. Mỗi người dân hãy cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của toàn xã hội.
Trước những diễn biến tội phạm mua bán người ở nước ta xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hằng năm, trùng với ngày Liên hợp quốc chọn làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.
Trong những năm gần đây, loại tội phạm này, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em đã có chiều hướng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, với thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi. Trước đây, loại tội phạm này chỉ diễn ra ở một số thành phố, tỉnh biên giới thì nay đã lan rộng ra hầu hết các tỉnh thành phố trên cả nước. Phần lớn các vụ mua bán người đều do các đường dây tội phạm thực hiện, có sự câu kết, móc nối chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước, với nhiều thủ đoạn hứa hẹn việc làm, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi. Thời gian gần đây đã xuất hiện cả những vụ mua bán đàn ông, học sinh, sinh viên, mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê…
Đặc biệt, thời gian qua với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 các đối tượng đã lợi dụng triệt để khoa học công nghệ, mạng internet để thay đổi phương thức, thủ đoạn, gia tăng hoạt động phạm tội. Theo thống kê, tại Việt Nam từ năm 2015 đến năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ với gần 1.700 đối tượng lừa bán gần 3.000 nạn nhân. Trong số các vụ mua bán người được phát hiện có tới 95% số vụ là xuyên biên giới, phần lớn là mua bán phụ nữ và trẻ em.
Trước những thủ đoạn tội ác nguy hiểm của tội phạm mua, bán người, Chính phủ Việt Nam đã có những chủ trương chính sách, hành lang pháp luật cho công tác phòng, chống đấu tranh trấn áp loại tội phạm này. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân; khắc phục những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm, giảm nguy cơ mua bán người.
Chương trình phòng, chống mua bán người được lập ra nhằm thực hiện các mục tiêu, yêu cầu cụ thể: Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan báo chí ở trung ương, địa phương và hệ thống Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã hằng tháng có chuyên mục, tin, bài tuyên truyền về phòng, chống mua bán người phù hợp các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa phương. Thường xuyên cập nhật các hình thức, thủ đoạn và mục đích của tội phạm mua bán người trên các trang mạng và mạng xã hội có nhiều người theo dõi, truy cập tại Việt Nam.
Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người được tiếp nhận, phân loại; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi có đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố. 95% số vụ án mua bán người hằng năm được giải quyết và truy tố. 90% số vụ án mua bán người hàng năm được giải quyết, xét xử…
Để phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm này, trước hết mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động. Luôn cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết.
Hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” – 30/7/2022, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị cần đoàn kết phát huy sức mạnh tổng hợp; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, và hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân bị mua bán. Mỗi người dân hãy cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của toàn xã hội./.
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC